Ước mong của cư dân bên “hồ ánh sáng”

Phóng sự của Lê Phước| 23/11/2018 15:53

Mặc dù sống gần công trình thủy điện tầm cỡ khu vực Tây Nguyên nhưng bao năm nay, hơn 600 hộ dân với gần 2.200 nhân khẩu của 2 thôn Phú Vinh và Phú Hòa, xã Quảng Phú (Krông Nô) vẫn trong tình trạng nhiều "không" như không điện, không nước sinh hoạt, hộ khẩu... Đây cũng chính là lực cản trong quá trình phát triển của người dân sinh sống bên "hồ ánh sáng".

ADQuảng cáo

Thủy điện Buôn Tua Srah

Năm 2004, sau khi thủy điện Buôn Tua Srah tích nước, một nhóm dân cư ở khu vực lòng hồ trước đây đã di chuyển lên phía trên để ổn định cuộc sống. Cùng dòng người di cư từ phía Bắc, một cụm dân cư có tên “Thác 1/9” đã hình thành. Tháng 9/2016, trên cơ sở khu vực dân cư này, UBND tỉnh đã thành lập 2 thôn Phú Vinh và Phú Hòa. Đến nay, thôn Phú Hòa có trên 250 hộ dân (gần 1.000 khẩu) và thôn Phú Vinh có gần 350 hộ dân (trên 1.200 khẩu) chủ yếu là dân tộc thiểu số như: Mông, Thái và Tày.

NƠI “KHÁT” NƯỚC, “MÙ” ĐIỆN

Khe nước chảy từ các quả đồi xuống là nơi sinh hoạt của những đứa trẻ ở Phú Vinh

Đi dọc tỉnh lộ 4B, đoạn qua thôn Phú Vinh vào cuối buổi chiều, không khó để thấy những đứa trẻ đang nghịch nước, tắm rửa ven đường. Tự bao năm nay, hầu hết người dân ở thôn Phú Vinh sử dụng nguồn nước ở những khe lạch, chảy từ chân đồi về. Nhưng gần đây, những khu rẫy trên đồi xuất hiện vô số vỏ chai, vỏ bịch thuốc bảo vệ thực vật. Những khu đất này trước đây là đất rừng. Mấy năm sau khi vào lập nghiệp, người dân khai hoang rồi trồng các loại cây ngắn ngày như ngô, sắn… Quá trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đã ảnh hưởng tới nguồn nước ngầm.

Nhưng dù có bị ô nhiễm hơn thì đó vẫn là nguồn nước duy nhất duy trì cuộc sống của hàng trăm hộ dân ở thôn Phú Vinh. Những người dựng nhà tựa vào núi, ngày ngày nhìn ra hồ thủy điện Buôn Tua Srah - nơi chứa hơn 700 triệu m3 nước nhưng không thể bơm lên sử dụng.

Những hộ dân sống tựa lưng vào núi, nhìn ra hồ thủy điện Buôn Tua Srah nhưng “khát” nguồn nước sạch

Đêm đến, thôn Phú Vinh êm đềm đến lạ thường. Hơn 6 giờ tối, cả trăm nhà dân dọc tỉnh lộ 4B vẫn chưa lên đèn. Đến khoảng 7 giờ tối, một số ánh điện yếu ớt bắt đầu hắt ra từ những ngôi nhà gỗ. Ở đây, phần lớn các hộ dân sử dụng nguồn điện từ năng lượng mặt trời.

Từ những năm 2000, những người dân đầu tiên sống ở đây nhường đất để làm Nhà máy Thủy điện Buôn Tua Srah (công suất 86MW). Họ kéo lên phía trên, tạo thành điểm, cụm, rồi khu dân cư. Lúc đầu, họ dùng đèn dầu hoặc bình ắc quy để tạo ra nguồn sáng ban đêm. Sau rồi khá hơn, nhiều hộ dân đã lắp được hệ thống điện năng lượng mặt trời. Nhưng nguồn điện ít ỏi chỉ đủ để chiếu sáng, giúp họ nghe được thông tin đài báo và thi thoảng vẫn tiết kiệm đủ để chạy những cây quạt con cóc. Tất cả nguồn điện để sản xuất như: bơm nước, xay nghiền… đều được tạo ra từ những chiếc máy nổ mã lực lớn, tiêu thụ không ít xăng, dầu.

NHỮNG ĐỨA TRẺ MƠ LÀM CÔNG DÂN

Sùng Y Thiêng năm nay đã gần 5 tuổi. Thiêng có em trai Sùng A Hoán ít hơn 1 tuổi. Cả 2 anh em đều chưa có giấy khai sinh. Lâu lâu được bố mẹ đưa sang nhà bác ở xã Quảng Hòa (Đắk Glong) chơi, Thiêng thích theo anh chị họ lên lớp mẫu giáo để chơi “ké” với các bạn. Nhưng chỉ được ít ngày, nó lại được đưa về bản Sình Cọ trông em.

Không có giấy khai sinh, Thiêng vẫn chưa được đi học và hàng ngày ở nhà trông em

Bố Thiêng, Sùng Seo Thề năm nay 25 tuổi. Theo cha vào bản Sình Cọ, thôn Phú Vinh từ năm 2003, Thề là anh cả trong gia đình có 3 anh em trai và đều không được đi học. Nhưng Thề giao tiếp bằng tiếng Việt khá sỏi. Đó là kết quả nhiều năm Thề làm thuê trong xã Quảng Phú, xa hơn là xã Quảng Hòa và huyện Đam Rông (Lâm Đồng).

Vợ Thề, Vừ Thị Xư, cũng là người Mông nhưng ở xã Quảng Hòa. Không được đi học, năm 15 tuổi, Xư ưng Thề rồi về ở với nhau. Ngày ngày, vợ chồng thay phiên nhau trông con để người còn lại đi làm. Khuôn mặt Thề già dặn hơn đến cả chục tuổi so với tuổi thật. Thề chẳng ngại phải đi làm thuê và thích đông con. Trong suy nghĩ của mình, Thề vẫn muốn cho con đi học. Nhưng không giấy khai sinh, Thề lo bọn nó không biết cái chữ như mình.

Rất nhiều đứa trẻ ở bản Sình Cọ chưa có giấy khai sinh

Ở bản Sình Cọ, có không ít những cặp vợ chồng không có đăng ký kết hôn và những đứa trẻ chưa có giấy khai sinh. Chúng có tên ở nhà do bố mẹ đặt cho nhưng về mặt quản lý nhà nước, chúng là những đứa trẻ chưa được pháp luật thừa nhận. Trưởng bản Sình Cọ Vù Seo Tăng cho rằng, phần lớn thanh niên trong xã lập gia đình sớm, con gái tầm 14 - 16 tuổi đã lấy chồng. Không đủ tuổi, chính quyền không thể xác nhận đăng ký kết hôn. Đến khi người vợ đủ tuổi, có thể làm giấy khai sinh cho con nhưng không có giấy đăng ký kết hôn nên phải mang họ mẹ. Mà cái này, người Mông không có chịu. Nhà này nhìn nhà kia, rồi cũng chẳng ai tích cực mấy trong việc đi làm giấy tờ. Vào Sình Cọ từ những năm 2000 khi chỉ có lác đác vài nhà, anh Tăng nhẩm tính bản đã có trên 100 hộ. Còn trẻ con không giấy khai sinh, anh tính không xuể.

Không có giấy khai sinh, các cháu sẽ gặp khó khăn khi xảy ra ốm đau và trở ngại trong việc học hành. Thất học, không có giấy tờ tùy thân và không có nhiều cái khác nữa đang hiển hiện trước mặt. Rồi biết đâu, chúng sẽ trở thành những công dân “vô danh”, lớn lên đi làm thuê, lập gia đình và sản sinh ra những đứa trẻ “vô danh” khác. Khi chúng tôi nói về tương lai của lũ trẻ, nhiều người ông, người cha bỗng lặng đi, đôi mắt không giấu được nỗi buồn, lặng nhìn về phía xa xăm...

“BẤT AN” VÌ TỆ NẠN

ADQuảng cáo

Chúng tôi tìm đến nhà chị Mù Thị Ka, thôn Phú Vinh vào một buổi chiều. Thấy chúng tôi lạ, bà Ka tưởng đến để thuê người làm việc nên xua tay không tiếp. Khi biết chúng tôi, bà Ka mới vui vẻ và gọi con gái Thào Thị Gióng ra nói chuyện.

Gióng hiện 14 tuổi và đã nghỉ học. Đầu năm nay, có một số người lạ đến thôn tuyển lao động. Thấy họ hứa hẹn làm công nhân may, có chỗ ăn chỗ ngủ ổn định và lương tháng 15 - 20 triệu nên bố mẹ gật đầu cho Gióng đi.

Cùng chuyến xe đưa Gióng còn có 10 em nữa trong thôn, tuổi từ 14 đến 17. Ai cũng háo hức học được nghề may và làm ra đồng tiền giúp gia đình.

Chuyến xe ấy đưa các em đến một cơ sở may mặc ở TP. Hồ Chí Minh. Tại đây, các em được chủ xưởng bố trí chỗ ở trong một nhà kho. Trái với viễn cảnh tươi đẹp, Phàng Thị A (15 tuổi) kể: Hàng ngày, chúng em làm công việc bốc, xếp vải, quần áo đã được gia công từ 7 giờ sáng đến 10 giờ đêm, chỉ được nghỉ 1 lúc buổi trưa. Cầm cự được ít ngày, bọn cháu kiệt sức, không ăn nổi cơm. Nhiều bạn nản, xin tiền chủ về nhưng không cho. Chỉ đến khi vài bạn kiệt sức, khóc lóc thì họ mới bắt xe đò cho về mà không trả tiền công.

Phàng Thị A (phải) trở về nhà sau chuyến đi lao động tại TP. Hồ Chí Minh

Theo UBND xã Quảng Phú, thời gian qua, có một số đối tượng lạ đến địa phương “tuyển dụng” lao động không thông qua chính quyền. Họ lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người dân để soạn hợp đồng, hồ sơ tuyển dụng lao động bất hợp pháp. Khi xã rà soát, nhiều gia đình giấu giếm thông tin trong khi bản thân họ không nắm được tình trạng ăn ở, điều kiện lao động của các cháu. Xã đã tổng hợp được 18 em nhỏ dưới 17 tuổi bị dụ dỗ đi làm việc tại TP. Hồ Chí Minh. Trong số này, có 7 em đã tự về nhà, 3 em được cơ quan chức năng xuống tận nơi đón về và có 8 em vẫn chưa liên lạc được.

Một vấn đề nữa mà người dân nơi đây đang bất an là tình trạng trộm cướp. Rất nhiều hộ dân cho biết liên tục bị mất bình ắc quy, máy nổ… Thậm chí, nhiều nhà trồng cà phê đến vụ thu hoạch, trộm vào tận rẫy “hái giùm”. Họ nghi ngờ một số đối tượng nghiện hút ma túy ở địa phương và lân cận gây ra.

Cách đây khoảng 1 tháng, bà Đặng Thị Thân, thôn Phú Vinh chuyển nhà về ở gần với vợ chồng con gái. Một phần vì gần đây nhà bà hay bị mất trộm vặt, phần nữa là lo cho đứa cháu nội mới 2 tuổi. Chả là cách đó không lâu, bà Thân ở nhà trông cháu. Sau khi thằng nhóc từ đường chạy vào nhà, bà Thân “tá hỏa” khi thấy nó đang cầm một cái… kim tiêm chơi. Nghe người trong thôn kể chuyện hút chích xảy gần đây, bà sợ quá nên quyết định chuyển nhà luôn.

Chị N. bán hàng tạp hóa cùng với quán nước ở ven đường tỉnh lộ 4B được khoảng 1 tháng nay. Chị N. đã chứng kiến nhiều thanh niên đến quán nước của chị nằm dài cả ngày, định lôi “hàng” ra chích hút ngay tại quán. Nhiều lần, mấy đối tượng này còn mang tài sản đến bán rẻ nhưng chị kiên quyết cự tuyệt.

Những câu chuyện của người dân không phải là không có cơ sở. Cách đây chưa lâu, vào tháng 7/2018, Công an huyện Krông Nô đã phát hiện hơn 1.000 cây cần sa (cao từ 0,6 - 1,8m) được trồng tại thôn Phú Vinh. Khu vực phát hiện cần sa có đường vào rất khó khăn. Toàn bộ số cần sa này đã được nhổ bỏ, tiêu hủy. Trên địa bàn 2 thôn Phú Hòa và Phú Vinh cũng đang là nơi sinh sống của nhiều đối tượng hình sự và ma túy.

Trong 9 tháng đầu năm, xã Quảng Phú xảy ra 28 vụ việc vi phạm an ninh trật tự, trong đó có 7 vụ trộm cướp tài sản và 1 vụ (4 đối tượng) mua bán, sử dụng ma túy. Hiện xã đang quản lý 92 đối tượng hình sự, kinh tế, ma túy và các đối tượng khác. Điều đáng chú ý là các đối tượng này tập trung ở khu vực thôn Phú Hòa và Phú Vinh.

MONG MỎI VỀ CẢI THIỆN CUỘC SỐNG VÀ SỰ BÌNH YÊN

Dự án cấp điện thôn Phú Hòa, Phú Vinh đã hoàn thành và có thể cấp điện cho người dân

Hơn 10 năm qua, người dân ngày đêm mong chờ điện lưới về. Những ngày công nhân điện dựng cột, kéo dây để thực hiện Dự án cấp điện thôn Phú Hòa, Phú Vinh (tổng vốn đầu tư 6,65 tỷ đồng từ nguồn vốn Ngân sách tỉnh với 3 trạm biến áp, hơn 14 km đường dây trung áp và hạ áp), ai ai cũng háo hức. Rồi ngày đó cũng tới. Cuối tháng 10/2018, Công ty Điện lực Đắk Nông đã tiến hành đóng điện, tạm bàn giao cho Điện lực Krông Nô cấp điện cho người dân.

Người dân phấn khởi đi đăng ký làm thủ tục cấp điện

Có lẽ đối với những người đã sống ở đây 10 năm, 15 năm hoặc lâu hơn nữa, niềm vui “xóa mù” điện là khôn xiết. Nhiều gia đình rần rần đi mua sắm ti vi, tủ lạnh, quạt máy… Mặc dù dự án chỉ tạm thời cung cấp điện cho hơn 100 hộ dân sống tập trung và các điểm trường tiểu học, mầm non tại 2 thôn nhưng những người dân ở xa hơn vẫn rất vui vì điện đã đến gần. Và hiện tại, chí ít thì con cái họ cũng được học hành ở nơi sáng sủa, có nguồn điện xua đi nỗi u tối, cái nóng nực mùa khô Tây Nguyên.

Người dân ở 2 thôn mong điện, mong nước và mong con cái họ được đi học. Nay nhà nước quan tâm đã đầu tư kéo điện về, họ hy vọng thời gian tới điện sẽ phủ toàn bộ 2 thôn Phú Hòa và Phú Vinh. Và họ cũng hy vọng Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư nước sinh hoạt, hỗ trợ bà con làm hộ khẩu, giấy khai sinh để họ được làm công dân, con cái được học chữ.

Nhưng gần đây, họ mong được hưởng cuộc sống bình yên hơn. Cái họ sợ là tệ nạn, nhất là ma túy. Bởi họ hình dung được những gì ma túy có thể gây ra. Họ không muốn sống trong cảnh người lớn phải thay nhau túc trực ở nhà trông con, canh tài sản. Không yên tâm làm ăn, tất yếu họ sẽ nghèo đói.

Thường xuyên nhận được phản ánh của người dân, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Vũ Hoàng Phú cho biết đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên nhưng chưa được quan tâm, xử lý. Ông Phú mong cơ quan chức năng vào cuộc, lập lại trật tự để người dân yên tâm sinh sống.

Theo Chủ tịch UBND huyện Krông Nô Ngô Xuân Đông, thôn Phú Vinh và Phú Hòa cách trung tâm huyện gần 40 km, đường sá đi lại và đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Thời gian qua, 2 thôn đã được đầu tư một số cơ sở hạ tầng thiết yếu. Ngoài dự án cấp điện, 2 thôn đã được xây dựng phân hiệu trường mầm non và trường tiểu học. Thời gian tới, địa phương sẽ kêu gọi dự án cấp nước sinh hoạt và các dự án kinh tế - xã hội khác.

Ông Đông cũng cho biết công tác quản lý nhà nước về dân cư tại 2 thôn này còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều hộ dân chưa được nhập cư nên chưa được hưởng các chính sách của Nhà nước. Thời gian tới, UBND huyện sẽ chỉ đạo lực lượng công an tăng cường công tác quản lý nhà nước về dân cư, đồng thời đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ước mong của cư dân bên “hồ ánh sáng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO